Chính vì vậy, sau khi có công bố hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, đồng loạt các ngân hàng thương mại đã thông báo hạ lãi suất. Đáng chú ý, không chỉ hạ lãi suất huy động mà nhiều ngân hàng đã hạ luôn cả lãi suất cho vay.
Đến thời điểm này hầu hết tất cả các ngân hàng thương mại đã đồng loạt đưa lãi suất huy động về 12%/năm như BIDV, VietinBank, Agribank, Techcombank, TienphongBank, ABBank... Thậm chí có một số ngân hàng còn giảm xuống dưới 12%/năm, điều này cho thấy lãi suất vẫn còn có chiều hướng giảm thêm.
Một điều bất ngờ là khác với những lần điều chỉnh lãi suất huy động trước là phải có một độ trễ nhất định thì các ngân hàng mới tuyên bố giảm lãi suất cho vay nhưng lần này nhiều ngân hàng đã lên tiếng áp dụng luôn mức giảm tương ứng so với giảm trần lãi suất huy động.
Đi tiên phong là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ngay chiều ngày 11-4 đã công bố mức giảm lãi suất cho vay với mức hạ từ 1% - 2,5%/năm. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường giảm sâu 2,5% so với trước, còn 14,5%/năm. Điều đáng chú ý là BIDV áp dụng cho vay bất động sản cũng chỉ như cho vay thông thường vào khoảng 14,5% đến 16%/năm.
Giảm mạnh nhất, xuống 13% - 14%/năm, rơi vào các nhóm đối tượng ưu tiên đặc biệt, như cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, vay sản xuất, hỗ trợ xuất, vay khắc phục hậu quả bão lũ…
Ông Phạm Quang Tùng - phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, lãi suất cho vay bất động sản với chỉ đạo cũ năm 2011 thì các ngân hàng thường cho vay cao hơn 5-10% so với các lĩnh vực khác. Nhưng hiện nay theo chỉ đạo chung khi loại trừ một số đối tượng vay bất động sản ra khỏi diện “không khuyến khích”, thì Ngân hàng cũng mạnh dạn đưa ra mức lãi suất vay hợp lý hơn nhằm hỗ trợ khách hàng trong lĩnh vực này.
Sau BIDV, một ngân hàng thương mại cổ phần lớn khác là Techcombank cũng đã tuyên bố dành 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 15% cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn, hàng tiêu dùng thiết yếu… tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô đủ lớn và tình hình tài chính tốt, đáp ứng các qui định và điều kiện của Techcombank.
Cũng bắt đầu từ 11-4, Eximbank dành 6.000 tỷ đồng với lãi suất 16,5%/năm để cho vay các đối tượng là các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ vốn mua nhà đối với người có thu nhập thấp.
Những ngân hàng khác như TienphongBank, ABBank cũng đã đưa ra những gói lãi suất ưu đãi cho vay ngay từ những ngày đầu của đợt giảm lãi suất lần thứ hai này.
Từ ngày 11-4-2012, TienPhong Bank đã ban hành biểu lãi suất huy động mới tối đa là 12% cho các kỳ hạn gửi từ 1 tháng trở lên.
Ông Nguyễn Việt Anh - phó Tổng giám đốc TienPhong Bank cho biết, sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất huy động còn 13% hồi tháng 3-2012, nhiều khách hàng đã chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn dài do ngại lãi suất sẽ tiếp tục giảm, vì vậy ngân hàng cũng dễ cân đối nguồn, chủ động hơn trong hoạt động cho vay.
Ông Việt Anh cũng cho biết thêm ngân hàng vừa có chính sách tín dụng mới với hệ thống sản phẩm cho vay đa dạng hơn trên toàn hệ thống trong đó mở rộng đối tượng cho vay, ưu tiên các gói vay mua nhà, mua ôtô...
TienPhong Bank tiếp tục triển khai chương trình dành 1.500 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực công nghệ cao, kinh doanh xuất khẩu..., một số dự án tốt còn được hưởng mức lãi suất thấp nhất là 14%.
Cũng từ ngày 10-4 đến hết ngày 30-6-2012, ABBANK dành nguồn vốn 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.
Nhìn nhận về xu hướng hạ lãi suất tiếp theo trong năm 2012, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng năm nay có thể sẽ có 3-4 lần hạ lãi suất. Định hướng của Ngân hàng Nhà nước là mỗi quý có thể hạ 1% lãi suất, riêng trong 1 tháng qua đã hạ được 2%, nhưng giảm thế nào, mức độ ra sao thì còn phụ thuộc phần lớn vào tín hiệu thị trường.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Cao Sỹ Kiêm cho rằng mong muốn của nền kinh tế, doanh nghiệp là lãi suất huy động có thể giảm về mức 10%/năm, cùng với đó lãi vay sẽ giảm tương ứng để đảm bảo lợi ích tiền gửi và tiền vay của khách hàng. Tuy nhiên, rất khó đoán định vì còn phụ thuộc vào tình hình “sức khỏe” kinh tế trong từng khoảng thời gian nhất định.
Trên thực tế, đã có 1 số ngân hàng giảm lãi suất cho vay về mức 12% -13% nhưng chưa nhiều và cũng chưa nắm rõ được cơ cấu của số vay này chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng dư nợ.
Cũng chung nhận định này, bản tin nội bộ của HSBC cho rằng việc giảm trần lãi suất lần này có thể phần nào giúp đỡ các doanh nghiệp về mặt tín dụng, tuy nhiên sẽ không tác động nhiều lên nhu cầu nội địa.
HSBC cũng dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong các quý sau, kỳ vọng đến cuối năm nay, lãi suất trên thị trường mở (OMO) sẽ về ngưỡng 10%/năm.