“May mà thị trường bất động sản mới ở giai đoạn đầu, còn chưa lớn nhưng đã tìm ra nguyên nhân và biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bằng cách khắc phục lệch pha cung cầu, gắn với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia để sản phẩm đến được với người mua, phù hợp với đa số nguồn cung, nhất là nhà bình dân… nên hệ quả chưa trầm trọng”, vị Bộ trưởng nói.
Cùng với đó, ông Dũng cũng đánh giá, quá trình đầu tư xây dựng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng khá phổ biến. Chất lượng một số công trình xây dựng còn chưa cao, bên cạnh đa số công trình đạt chất lượng an toàn thì còn một số công trình chưa an toàn, còn xảy ra sự cố.
“Tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, nợ đọng trong xây dựng cơ bản vẫn xảy ra. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng cũng diễn ra nhiều mà chưa có giải pháp, biện pháp hữu hiệu để xử lý, đặc biệt là tại các đô thị lớn, tập trung đông dân cư, nơi diễn ra đô thị hóa mạnh. Tất cả những hạn chế nêu trên đều làm giảm hiệu quả đầu tư xây dựng, gây bức xúc trong xã hội”, vị Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nguyên nhân các hạn chế, theo ông Dũng, do nhận thức, quan điểm về quản lý đầu tư xây dựng còn chưa rõ, thậm chí còn có tình trạng cực đoan.
Hoạt động quản lý đầu tư xây dựng chủ yếu bằng các Nghị định, điều lệ... khẳng định vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng rất cao, nhưng do ảnh hưởng của tư tưởng thị trường hóa, cái gì cũng nói do thị trường điều tiết, nên đã đánh đồng các nguồn vốn khác nhau, nhưng phương thức quản lý giống nhau.
Từ đó, có tình trạng vốn ngoài nhà nước thì trách nhiệm vô hạn của các nhà đầu tư; còn vốn nhà nước thì thực hiện theo chế độ ủy quyền chủ đầu tư thực hiện nhiệm vụ quản lý.
Vì thế, theo Bộ trưởng Dũng, việc quản lý đầu tư cần phải có sự quản lý chéo một cách chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ trưởng Dũng còn cho rằng, sự bất cập, thiếu đồng bộ, chồng chéo giữa các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng gây khó khăn cho quản lý. Chỗ thì nhiều luật cùng quản lý, nhưng có những khoảng trống chưa có luật nào.
“Chất lượng công tác quy hoạch còn hạn chế, nhiều nơi làm quy hoạch theo phong trào, làm xong quy hoạch nhưng không thực hiện, thậm chí quy hoạch chưa hoàn chỉnh, chưa được duyệt nhưng lại đi trước một bước để làm cơ sở, nhân tố huy động cho mình… dẫn đến đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ, có nơi có quá nhiều công trình, hạ tầng nhưng có nơi thiếu, không chỉ tạo áp lực về giao thông, môi trường, chất lượng cuộc sống người dân mà còn làm thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư và khai thác công trình sau đầu tư”, ông Dũng vạch rõ.
Trước những vấn đề trên, Bộ trưởng Dũng khẳng định mục tiêu đổi mới quản lý, hiệu quả đầu tư xây dựng là cấp thiết nhằm khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, nhất là các công trình đầu tư bằng vốn nhà nước.