Sẽ có nhiều hơn đối tượng được tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng thời thời gian cho vay hộ gia đình, cá nhân tăng lên 15 năm.
Đây là nội dung được quy định tại Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị quyết 02 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Giải pháp đưa ra nhằm nới điều kiện cho người dân được tiếp cận vay ưu đãi gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ.
Thời hạn kéo dài 15 năm
Theo đó, về đối tượng mưa nhà, Nghị định quy định bao gồm cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở, khi mua nhà thương mại (kể cả nhà và đất) có tổng giá trị hợp đồng mua bán không vượt quá 1,05 tỷ đồng sẽ được vay gói 30.000 tỷ đồng.
Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở nhưng đang khó khăn về nhà nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ cũng sẽ được vay vốn ưu đãi để xây mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình. Mức vay tối đa sẽ do ngân hàng Nhà nước quy định.
Các hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, sinh viên, học sinh… cũng được tham gia gói hỗ trợ. Vốn tối thiểu của đối tượng này sẽ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể.
Sẽ có nhiều hơn đối tượng được tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng thời thời gian cho vay hộ gia đình, cá nhân tăng lên 15 năm.
Đồng thời, thời hạn vay cũng kéo dài 15 năm thay vì 10 năm như trước kia và cũng sẽ có nhiều hơn các ngân hàng thương mại cổ phần do Ngân hàng nhà nước chỉ định được tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở.
Vẫn chậm giải ngân gói 30.000 tỷ
Gói cho vay hỗ trợ nhà ở của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu được tung ra từ 1/6/2013 dành cho người mua nhà có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó dành tối đa 30% để cho vay đối với doanh nghiệp, 70% cho người mua nhà vay.
Gói hỗ trợ được kỳ vọng rất cao về việc bất động sản sẽ phục hồi, giải quyết vấn đề nhà ở cho đại đa số người dân. Tuy nhiên với tốc độ giải ngân chậm chạp nhiều người mua nhà đã quay sang thờ ơ với gói tín dụng này.
Theo đó, sau gần nửa năm, tính đến ngày 31/11, gói 30.000 tỷ đồng, các ngân hàng Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV và MHB mới cho vay được gần 647 tỷ đồng, tức là giải ngân khoảng 2%. Nếu tính cả số cam kết nhưng chưa giải ngân, các ngân hàng đã cho vay 1.256 khách hàng với số tiền hơn 1.560 tỷ đồng.
Sau 1 năm triển khai, tính đến cuối tháng 5/2014, tổng số tiền giải ngân từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà ở trên toàn quốc là 2.156,3 tỷ đồng, tức giải ngân chỉ khoảng hơn 7%.
Trong suốt quá trình triển khai, Bộ Xây dựng nhiều lần tỏ ra sốt ruột vì tốc độ giải ngân chậm chạp của gói tín dụng 30.000 tỷ đã từng đề xuất khá nhiều những điểm nhằm nới lỏng điều kiện cho vay và việc tăng đối tượng tiếp cận, tăng thời hạn vay cũng nằm trong những điểm nới mà Bộ Xây dựng đã từng đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, đối mặt với tốc độ giải ngân chậm chạp của gói tín dụng này, dư luận nhiều lần đã lên tiếng, thậm chí yêu cầu Bộ Xây dựng phải trả lại tiền của gói 30.000 tỷ nhưng thực chất theo Bộ Xây dựng gói 30.000 tỷ đồng là tiền của ngân hàng.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng từng cho biết rằng, lý do lớn nhất khiến người thu nhập thấp khó tiếp cận gói 30.000 tỷ vẫn là việc bắt họ phải chứng minh được khả năng trả nợ. Đây là một điều khoản quá khó đối với người lao động tự do, cho dù hàng tháng hoặc hàng quý họ vẫn xoay xở được một món tiền đủ để trả nợ ngân hàng theo cam kết.
Trong khi đó, ngân hàng cũng đưa lý lẽ nguyên nhân chính khiến tiến độ thực hiện của gói 30.000 tỷ không như mong muốn là sự thiếu hụt nguồn cung của phân khúc nhà ở xã hội.
"Không phải có tiền đưa ra là cho vay được. Trên thực tế, nguồn cung mới là vấn đề chính. Nguồn nhà bán ra khá hạn chế làm việc triển khai chưa tốt", Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Đồng Tiến nói.
5 ngân hàng Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV và MHB là đơn vị trực tiếp giải ngân gói 30.000 tỷ cũng lý giải cho việc gói 30.000 tỷ chậm giải ngân do mắc ở hợp đồng 3 bên giữa ngân hàng, doanh nghiệp và người dân để ngân hàng đảm bảo an toàn vốn vay khi người vay không có tài sản gì để thế chấp ngoài căn hộ được hình thành trong tương lai.
Trong đó, ngân hàng yêu cầu chủ đầu tư cam kết mua lại căn nhà nếu khách hàng không trả được nợ. Nhưng phía doanh nghiệp coi đây là sức ép lớn đối với họ nếu khách hàng không trả được nợ trong thời gian vay vốn, ngân hàng lại bắt chủ đầu tư phải mua lại căn nhà ở xã hội đó.
Nguồn Đất Việt