Năm 2014, Việt Nam đề ra mục tiêu đưa 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài (tăng 5.000 người so với năm 2013).
|
Ảnh minh họa |
Dự báo, các thị trường truyền thống nhu cầu tiếp nhận sẽ tăng và một số thị trường tiềm năng mới sẽ được xúc tiến mở rộng.
Hé mở những cánh cửa mới
Nhận định về bức tranh xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2014, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động (Bộ LĐTBXH) Đào Công Hải cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, thị trường lao động vẫn có nhiều mảng sáng, chỉ tiêu đi XKLĐ năm 2014 dự định sẽ là 90.000, tăng 5.000 chỉ tiêu so với năm 2013.
Cùng với đó, cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ của Việt Nam đang dần hé mở. Những chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Đức và Nhật Bản làm việc đang được triển khai khá thuận lợi. Mặc dù số lượng lao động trong lĩnh vực này chưa nhiều, nhưng đã tạo đà để mở rộng thị trường XKLĐ nghề có trình độ cao, thu nhập khá tại các nước phát triển.
Trước đó, trong tháng 6/2013, khi triển khai lấy ý kiến về nhu cầu tiếp nhận điều dưỡng, hộ lý Việt Nam, đã có 125 cơ sở y tế Nhật Bản đăng ký tham gia chương trình và đề nghị tiếp nhận đợt đầu tiên là 245 ứng viên hộ lý và 59 điều dưỡng viên Việt Nam vào năm 2014. Con số này gấp đôi số lượng ứng viên đã được tuyển chọn khóa 1 và đang đào tạo tiếng Nhật.
Bên cạnh đó, Trung Đông và châu Phi cũng có nhiều công ty các nước thứ 3 (các công ty lớn của các nước phát triển) nhận thầu tại khu vực này và đã đặt vấn đề tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Các ngành nghề truyền thống thu hút nhiều lao động như: Chế tạo máy, xây dựng, may, giúp việc… vẫn là chủ đạo nhưng sẽ được xem xét mở rộng và có nhiều hình thức mới với chất lượng lao động tốt hơn.
Đặc biệt, Bộ LĐTBXH cũng đã yêu cầu các đơn vị theo dõi sát diễn biến thị trường ngoài nước, kịp thời đón nhận các hợp đồng tiếp nhận lao động mới, nhất là các thị trường có thu nhập cao, an toàn, phù hợp với trình độ của lao động Việt Nam. Tiếp tục các hoạt động để mở các thị trường mới như Australia, Canada, Bahrain, Angola, Thái Lan…
Ổn định các thị trường truyền thống
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong năm 2014, một số thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia… tiếp tục có nhu cầu cao trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Đặc biệt, cánh cửa vào thị trường tiềm năng Hàn Quốc sẽ dần được mở lại, tạo thêm cơ hội cho lao động.
Những ngày cuối năm 2013, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã cắt băng khai trương Văn phòng quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Từ khi đi vào hoạt động ngày 15/9/2013, Văn phòng đã tiến hành nhiều hoạt động như cung cấp thông tin, hỗ trợ giải quyết các sự cố, tư vấn chính sách, pháp luật... cho người lao động.
Văn phòng cũng đã phối hợp tổ chức bảy cuộc gặp gỡ, giao lưu với gần 4.000 lao động ở các trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài tại các thành phố lớn của Hàn Quốc nhằm tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành pháp luật, quy định trong hợp đồng và về nước đúng thời hạn.
Với những nỗ lực của phía Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động ở cả trong nước và Hàn Quốc, cũng như áp dụng các biện pháp chế tài đã được ban hành từ tháng 8/2013, tỷ lệ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc không về nước đúng thời hạn sau khi hết hạn hợp đồng đã giảm mạnh từ 49,9% xuống còn 38,2% trong tháng 10/2013.
Có thể thấy, trong năm 2013 nhiều giải pháp quyết liệt đã được thực hiện để chấn chỉnh công tác quản lý các doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc nước ngoài. Có thể kể đến những nỗ lực của ngành chức năng trong việc nối lại thị trường Hàn Quốc; tiến hành xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động của 14 doanh nghiệp và yêu cầu 4 doanh nghiệp chấn chỉnh hoạt động vì đã thu tiền môi giới của người lao động quá mức quy định đi thị trường Đài Loan…
Bên cạnh đó, sẽ chú trọng nâng cao năng lực các doanh nghiệp, cơ sở sự nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạc, đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đầu tư xây dựng một số cơ sở chuyên đào tạo lao động.
Đặc biệt, cần theo dõi chặt chẽ tình hình lao động làm việc ở nước ngoài, bảo vệ quyền lợi người lao động, đồng thời xử lý kịp thời những vi phạm kỷ luật của người lao động làm ảnh hưởng đến thị trường, theo dõi hỗ trợ và phát huy khả năng của lực lượng lao động này khi về nước.
(nguồn Chinhphu.vn)